Đen Vâu, ‘Mang tiền về cho mẹ’ đã vào đề kiểm tra ngữ văn như thế nào?

“Mang tiền về cho mẹ” đã đủ chưa hay đó chỉ là vật chất mà còn cần cả tinh thần, học sinh sẽ bày tỏ trong bài kiểm tra môn ngữ văn.

Các học sinh lớp 12 Trường THCS-THPT Trần Cao Vân (Q.Tân Phú, TP.HCM) cũng như những diễn đàn học sinh đã thảo luận sôi nổi, bày tỏ sự hào hứng và thích thú với nội dung ngữ liệu trong đề kiểm tra thử học kỳ 1 môn ngữ văn là bài rap Mang tiền về cho mẹ của rapper Đen Vâu.

Cụ thể, đề kiểm tra của Trường THCS-THPT Trần Cao Vân đã sử dụng đoạn trích trong bài rap của Đen Vâu, với những câu hỏi thú vị trong phần đọc hiểu như “Đen Vâu khẳng định mẹ mình “không dám” làm những gì? Vì sao?” hay “Em có đồng tình với quan điểm của Đen Vâu trong câu “Bài hát hay nhất trần đời là lời mẹ ru giữa trưa nắng hè” không? Vì sao?”…

Giáo viên biên soạn đề kiểm tra nói gì?

Chia sẻ với phóng viên Báo Thanh Niên, thầy Hà Văn Vụ, giáo viên Trường THCS-THPT Trần Cao Vân, cho biết nếu đề kiểm tra mang nội dung hàn lâm thì sẽ khiến học trò chán nản, nhất là sau khi các em trải qua một khoảng thời gian dài học trực tuyến ở nhà, nên cần phải đổi mới. Do đó, thầy giáo 34 tuổi đã đặt ra mục tiêu làm sao để học trò nhìn thấy đề kiểm tra là thấy cuốn hút, muốn làm, muốn thể hiện năng lực và suy nghĩ.

“Tôi không phải là fan của Đen Vâu. Tuy nhiên, trong xu hướng hiện nay, rap Việt đang thu hút giới trẻ, nhất là học sinh, do đó tôi đã nghe bài Mang tiền về cho mẹ đang thịnh hành trong những ngày gần đây”, thầy Vụ kể.

Sau khi nghe đi nghe lại lời của bài rap, thầy Vụ đã chọn phần nội dung phù hợp nhất làm ngữ liệu xuyên suốt cho đề bài kiểm tra.

“Vẫn là cấu trúc của đề kiểm tra truyền thống với phần đọc-hiểu, nghị luận xã hội (NLXH), nghị luận văn học nhưng tôi sử dụng những câu hỏi mở để kiểm tra kỹ năng làm bài môn ngữ văn. Hơn thế nữa, thông qua đề kiểm tra, tôi muốn tạo cơ hội để các em bày tỏ quan điểm, nguyện vọng, chính kiến của mình trước vấn đề mà xã hội đang quan tâm”, thầy Vụ nói.

Cụ thể, trong câu 1 của phần Làm văn (NLXH), học sinh được yêu cầu “viết một đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày suy nghĩ, quan điểm của mình về câu hát: “Mang tiền về cho mẹ/Đừng mang ưu phiền về cho mẹ”.

“Yêu cầu của câu hỏi thoát ra khỏi khuôn mẫu thường ra theo hướng đồng ý với quan điểm của người ra đề. Với câu hỏi này, học sinh của trường có thể thoải mái đưa ra quan điểm đồng ý hay không với việc “mang tiền cho mẹ” đã đủ chưa hay còn cần cả tình cảm… Từ đó, học sinh có thể trình bày những lý giải, phân tích hợp lý và qua đó giáo dục các em về tình mẫu tử thiêng liêng”, thầy Vụ chia sẻ.

Đánh giá

Để lại một bình luận